Xuyên qua dải đất miền Trung đầy nắng gió, vượt trên dãy Trường Sơn với các khối núi xếp chồng đâm ngang ra biển người ta mới thấy hết độ chênh vênh, kỳ vỹ cũng như vẻ đẹp ngoạn mục của đèo Hải Vân. Chẳng thế mà nơi đây còn được biết đến với “mỹ từ” rất đẹp – “thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Hai_Van_Pass_Base

Hải Vân – sự kiến tạo đặc biệt của tự nhiên

Hải Vân là một đèo nằm trên dãy Trường Sơn, có tổng chiều dài 21km, đỉnh cao nhất lên tới 496km so với mực nước biển. Nằm ở lằn ranh giới hai tỉnh Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng, nên đèo Hải Vân cũng đồng thời trở thành cột mốc phân chia ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế ở phía Bắc và Đà Nẵng ở phía Nam.

deo-hai-van-hinh-anh_UZTP

Mang đặc trưng kiến tạo đặc biệt với các dãy núi liên tiếp ăn ngang ra biển, những con đường đèo nho nhỏ men theo triền núi, uốn lượn như dải lụa vắt ngang giữa trời mây càng khiến cảnh quan nơi Đèo Hải Vân thêm phần ngoạn mục. Có lẽ suốt dọc dài Tổ Quốc bạn sẽ chẳng bao giờ bắt gặp không gian tuyệt vời đến thế. Những con đường chênh vênh một bên núi rừng, một bên biển cả với đỉnh đèo mây phủ quanh năm khiến nơi đây còn có một cái tên khác cũng thơ không kém – “Đèo Mây”.

Hải Vân – Thiên hạ đệ nhất hùng quan

Mỹ danh “Đệ nhất hùng quan” của con đường đèo này được vua Lê Thánh Tông “ấn định” cách đây hơn 500 năm trước. Các biên niên sử còn ghi, vua Lê Thánh Tông trong một lần vi hành đã dừng lại trên đỉnh đèo Hải Vân ngắm cảnh làm thơ. Ngỡ ngàng, choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng vĩ mà phóng khoáng nơi đây mà tức cảnh sinh tình và thốt lên “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cái tên này cũng được người ta truyền tai nhau từ đó.

quang-canh-hai-van

Suốt hành trình chinh phục và khám phá Đèo người ta sẽ không khỏi bất ngờ trước những “dấu tích” còn sót lại nơi đây. Ngay trên đỉnh đèo, dấu vết tiền nhân vẫn còn để lại: những cửa đèo và thành lũy đắp ngang. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ: “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Ngược chiều sâu lịch sử, đèo Hải Vân xưa kia thuộc hai châu Ô, Rí của Champa. Thuở ấy, đèo Hải Vân bị chắn bởi thảm rừng dày đặc, thảo khấu, thú dữ cùng địa hình hiểm trở khiến cho việc đi lại ở đèo Hải Vân trở thành nỗi khiếp sợ của người dân ngang qua. Thậm chí còn được ghi lại qua câu ca dao:

“Đi bộ thì sợ Hải Vân

Đi thuyền thì khiếp sóng thần hang Dơi”

Hành trình chinh phục “thiên hạ đệ nhất đèo”

Để đến được Đèo Hải Vân bạn phải bắt đầu hành trình từ Đà Nẵng, theo quốc lộ 1A về phía Bắc, qua vùng Nam Ô, qua những con đường đèo quanh co, ẩn hiện giữa trời mây, cây rừng và đá núi. Hải Vân sẽ hiện lên với bức tranh thiên nhiên hoành tráng mà hài hòa với sự pha trộn độc đáo giữa sự kỳ công của tạo hoá và sự xếp đặt khéo léo của con người. Cảnh vật hùng vĩ, đèo dốc hiểm trở với những khúc quanh bẻ lái tựa hình tròn, địa hình núi cao, vực sâu, rừng cây ngút ngàn, suối khe róc rách, khí hậu trong lành sẽ khiến bạn không thể kìm lòng và rồi đắm say Hải Vân lúc nào chẳng biết.

deo-hai-van-da-nang

Một trong những “sản vật” khiến người ta say đắm nhất khi chinh phục Hải Vân chính là mây. Mây che phủ cả khúc đèo, mây sà nơi bậu cửa, mây bao phủ lấy người, mây quấn quýt xung quanh như níu lấy chân du khách. Ở độ cao gần 500 mét so với mặt biển, đỉnh đèo Hải Vân là điểm ngừng nghỉ tuyệt vời. Du khách cảm thấy ngất ngây trước trời mây non nước, sảng khoái vô ngần khi được tận hưởng hết vẻ đẹp vô cùng ngoạn mục của cảnh núi cao, biển rộng có một không hai nơi đây.

deo-hai-van-lot-top-cung-duong-ngoan-muc-nhat-the-gioi-hinh-6

Lên đỉnh đèo Hải Vân, du khách sẽ có dịp thả tầm mắt nhìn bao quát cảnh đồi núi trập trùng với mây trắng bay là đà như những bức tranh thủy mặc với cảnh đồi núi trập trùng “mây trắng bay mãi ngàn năm”. Hướng tầm mắt về phía đầm Lập An, làng chài Lăng Cô hiện lên đẹp như tranh vẽ phía chân trời. Rồi từ phía nam, sóng biển vỗ quanh theo triền núi, thấp thoáng những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân rẽ sóng chạy ra khơi…

deo-hai-van-nhin

Nhưng với phần lớn du khách, cảm giác “đã đời” xuất hiện chính là khi toàn cảnh thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn đột nhiên thu cả vào tầm mắt. Ấy là khi đỉnh Sơn Trà quanh năm mây phủ cũng đột nhiên hiện lên đầy hư ảo, mông lung.

Và nếu đã đến Hải Vân, người ta cũng không thể bỏ qua Hải Vân Quan – nơi có cổng đá sừng sững trên đỉnh đèo khắc ghi 6 chữ vua Minh Mạng từng ban: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.  Bước chân lên Hải Vân Quan còn thấy gần chục lô cốt rất vững chắc, sừng sững giữa trời như chứng tích của thời gian. Những lô cốt này được người Pháp xây dựng lên từ hàng trăm năm trước, có nhiều hình dạng, quay về các hướng khác nhau để canh phòng, kiểm soát tuyến đường huyết mạch nối liền đất nước. Những lỗ châu mai – nguyên là đài quan sát, những họng súng… giờ đầy hoa cỏ, lau lách bình yên. Nó đã chứng kiến bao thăng trầm của đất nước, bao cuộc chiến đi qua, bao nhiêu đoàn du khách tứ phương về thưởng ngoạn khu danh thắng…

Và nhớ đừng quên trong hành trình ấy, hãy nhớ chờ xem chuyến tàu Bắc – Nam chạy ngang nơi ấy. Những đoạn đèo quanh co uốn lượn khiến chuyến tàu ngang qua cũng quá đỗi lạ kỳ. Đầu tàu đây mà đuôi đã ngay ở ngay sau.

tau-ngang-deo-hai-van

Quyến rũ đèo mây có 1 – 0 – 2

Là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam nhưng Đèo Hải Vân có một đặc điểm mà người ta không thể thấy ở bất cứ đâu. Đó là dưới chân biển xanh sóng dạt dào, trên đầu là biển mây bồng bềnh, nắng cuộn với mây phản chiếu dưới mặt nước biển xanh. Chính những hiểm trở và độc đáo này đã tạo nên một Hải Vân hùng quan có 1 – 0 – 2 trên thế giới.

deo-hai-van2

Vẻ đẹp nguyên sơ từ hàng ngàn năm trước đã chứng kiến bao người ngang qua? Đã có ai trở về, đi được đến đích? Không rõ. Nhưng sự thán phục trước bậc thầy vĩ đại thiên nhiên thì vẫn mãi vẹn nguyên.

Mỗi mùa, đèo Hải Vân lại có một vẻ đẹp quyến rũ khác nhau. Mùa hè, trời trong xanh, biển nước xanh, và mây trắng. Mùa thu, từng hàng lau trắng phất phơ giữa vẻ bàng bạc của rừng núi, mang lại cảm xúc mênh mang cho kẻ lữ hành. Mùa đông, sương mù giăng khắp nẻo đường, ngăn cản bước chân hành khách, biến sự dò dẫm của những vị lữ hành trở thành thú vui độc đáo. Và trên đường kinh lý, có ai người không dừng bước sơn khê? Dừng chân thả mắt ngắm những vạt hoa dại vàng rực rỡ, ngắm những con đường nhỏ uốn vòng quanh triền đèo để nghe khí huyết sục sôi.

deo-hai-van-5-1369205263

Tuy nhiên theo kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng, thời gian tốt nhất chinh phục đèo Hải Vân là buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Đây là thời điểm thuận lợi để bạn có thể thưởng thức không khí mát mẻ, dễ chịu cũng như ngắm cảnh tuyệt đẹp.

Khách du lịch Đà Nẵng tới đèo Hải Vân, thường là chỉ đi ngang qua, dừng chân lại, chính vì vậy mà cảm xúc thường đến rất nhanh. Trời, mây, gió, non nước, hoa và cả khoảng không gian hùng vĩ này, hỏi ai không cảm thấy bâng khuâng trước cái nỗi buồn man mác nhưng rất đỗi mênh mông của tạo vật mà lại vương vấn đến thân quen như đã thuộc nằm lòng?

Người khách bộ hành ngang qua, dừng chân uống bát trà tươi, thoáng nghe gió biển phảng phất đâu đây với vị mặn mà của biển Đông. Và nếu may mắn nữa, được nghe câu lý, câu hò “Lý hoài nam”, chỉ mấy câu “Chiều chiều ơ chiều chiều, dắt bạn qua đèo. Chim nó kêu (nớ/bên nớ). Úy, óa, chi rứa. ức, ức… con vượn trèo. Kia bên kia, ơ hỡi con vượn trèo. Kia bên kia” thôi mà sao lòng lại thấy da diết lạ lùng!