Khái quát về Ninh Bình
Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc Việt Nam, thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng dù chỉ có 2 huyện duyên hải là Yên Khánh và Kim Sơn có địa hình bằng phẳng. Quy hoạch xây dựng phát triển kinh tế xếp Ninh Bình vào vùng duyên hải Bắc Trung Bộ. Vùng đất Ninh Bình xưa là kinh đô của Việt Nam giai đoạn 968 - 1010 với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Hậu Lý và cũng là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình, lịch sử văn hóa đồng thời sở hữu 2 khu vực là di sản thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới, Ninh Bình hiện là một trung tâm du lịch có tiềm năng phong phú và đa dạng.
Phương tiện đi đến Ninh Bình
Ninh Bình cách thủ đô Hà Nội 93 km về phía Nam, nơi có đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, 12A, 12B và đường sắt Bắc - Nam chạy qua, giao thông rất thuận lợi. Du khách có thể đến Ninh Bình bằng tàu thống nhất Bắc - Nam hay xe khách từ tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
Nếu điểm xuất phát là Hà Nội, du khách đến Ga Hà Nội nằm trên đường Lê Duẩn để đi tàu hoặc đến Bến xe Nam Hà Nội (quen gọi Bến xe Giáp Bát) nằm trên đường Giải Phóng để đón xe khách đi Ninh Bình;. Ngoài phương tiện công cộng, du khách có thể đến Ninh Bình bằng phương tiện xe gắn máy, với phương tiện này du khách vừa tiết kiệm túi tiền, vừa cơ động và thoải mái trong việc đi lại. Từ trung tâm thành phố Hà Nội, đi theo đường Giải Phóng, qua Bến xe Nam Hà Nội khoảng 3 km, du khách rẽ trái 1 km vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và tiếp theo là Cầu Giẽ - Đồng Văn - Phủ Lý - Ninh Bình. Sau khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ, du khách đã có mặt tại Ninh Bình.
- Xe khách:
Khởi hành từ Bến xe Nam Hà Nội đi Ninh Bình: 30 phút/chuyến, từ 6h00 đến 17h00 hàng ngày.
- Xe open tour:
Hà Nội - Ninh Bình - Huế - thành phố Hồ Chí Minh, khởi hành lúc 19h00 hàng ngày từ khu vực phố cổ Hà Nội.
- Tàu hoả:
Khởi hành từ Ga Hà Nội: 06 chuyến/ngày
Địa chỉ: 118, Lê Duẩn, Hà Nội
Thưởng ngoạn những điểm đến " non nước hữu tình" nhất trời Nam
- Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như: chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á; chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á; chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á,…
Du lịch Ninh Bình ghé chùa Bái Đính, du khách sẽ được tham quan hang sáng, động tối, đền thờ Thánh Nguyễn, đền thờ thần Cao Sơn, Giếng Ngọc.
- Tràng An
Tràng An là một khu du lịch sinh thái nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. Nơi đây đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014. Tràng An vốn được gọi là thành Nam của kinh đô Hoa Lư xưa, nay là cố đô Hoa Lư. Tràng An với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm. Trong danh thắng này còn có nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi và các di tích gắn với lịch sử của kinh đô Hoa Lư xưa.
Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài 2 km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây… Mỗi hang một vẻ đặc trưng như tên gọi,. Trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10 m. Hang động Tràng An có những nét đặc trưng nổi bật của một khu di sản với bốn loại hang động chính: Hang Ngầm cổ, hang nền Karst cổ, hang Mái Đá và hang Hàm Ếch. Ngoài ra còn có các hang động được công nhận là di tích khảo cổ học: hang Trống, hang Bói, Mái đá Thung Bình, hang Mo, hang Cò, hang Trâu, hang Hũ Ngoài, hang Hũ Trong…
- Cố đô Hoa Lư
Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng đồng thời là 1 trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An. Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích quy hoạch 13,87 km² thuộc tỉnh Ninh Bình. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.
Đến cố đô Hoa Lư, du khách có thể viếng thăm đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, nhà bia Vua Lý Thái Tổ, đình Yên Thành và chùa Nhất Trụ, đền thờ công chúa Phất Kim, phủ Vườn Thiên, lăng vua Đinh, lăng vua Lê.
- Nhà thờ Phát Diệm
Nhà thờ chính tòa Phát Diệm (thường gọi là Nhà thờ đá Phát Diệm) là một quần thể nhà thờ Công giáo rộng khoảng 22 ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang hoàn thiện hồ sơ về kiến trúc nhà thờ Phát Diệm để đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới. Nhà thờ đá Phát Diệm được báo chí đánh giá là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, được ví như “kinh đô công giáo” của Việt Nam.
Đây là một công trình lớn, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Phát Diệm rộng lớn ở phía bắc Việt Nam. Nhà thờ được xây dựng toàn bằng đá và gỗ. Nét độc đáo của công trình này ở chỗ: mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam.
- Tam Cốc
Tam Cốc, có nghĩa là “ba hang”, gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Hang Cả dài 127 m, xuyên qua một quả núi lớn, cửa hang rộng trên 20 m. Trong hang khí hậu khá mát và có nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng. Hang Hai, cách hang Cả gần 1 km, dài 60 m, trần hang có nhiều nhũ đá rủ xuống rất kỳ lạ. Hang Ba, gần hang Hai, dài 50 m, trần hang như một vòm đá, thấp hơn so với hai hang kia.
Muốn thăm Tam Cốc, du khách xuống thuyền từ bến trung tâm. Thuyền đưa du khách trên dòng sông Ngô Đồng uốn lượn qua các vách núi, hang xuyên thuỷ, cánh đồng lúa. Thời gian đi và trở lại khoảng 2 giờ. Phong cảnh Tam Cốc, nhất là 2 bên dòng sông Ngô Đồng có thể thay đổi theo mùa lúa (lúa xanh, lúa vàng hoặc màu bạc của nước trên cánh đồng).
- Nam thiên đệ nhị động: Bích Động
Bích Động nằm cách bến Tam Cốc 2 km, có nghĩa là “động xanh”, là tên do tể tướng Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du đặt cho động năm 1773. Đây là một trong những thắng cảnh nằm trong nhóm được người xưa gọi là “Nam thiên đệ nhất động. Phía trước động là một nhánh sông Ngô Đồng uốn lượn bên sườn núi, bên kia sông là cánh đồng lúa. Chùa Bích Động là một ngôi chùa cổ gắn với núi đá mang đậm phong cách Á Đông. Chùa được dựng từ đầu đời nhà Hậu Lê. Trong chùa có quả chuông lớn đúc từ thời vua Lê Thái Tổ, mộ tháp các vị hòa thượng có công xây dựng chùa.
Xuyên Thủy động là một động tối và ngập nước nằm dọc theo chiều dài Bích Động, bán nguyệt với muôn hình vạn trạng. Lối vào Xuyên thủy động ở phía sau núi, đối diện với đường vào Bích Động. Tại điểm kết thúc hành trình xuyên thủy động, du khách có thể leo núi để tới động và chùa Bích Động.
- Nam thiên đệ tam động: Địch Lộng
Động – chùa Địch Lộng là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia thuộc xã Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình, là quần thể di tích danh thắng gồm có đình đá (có 16 cột đá nguyên khối); đền thờ Lý Quốc Sư; hồ bán nguyệt, 5 tháp cao ba tầng và ba gian chùa Hạ.
Từ chùa Hạ qua Phủ Đức Ông, tiếp tục leo lên thêm 105 bậc đá nữa sẽ đến hang động mà trên cửa động đề 6 chữ: “Nham Sơn động, Cổ Am tự”., phía bên phải là chùa mà với mái là vòm hang cao khoảng 20 m, sâu khoảng 30 – 40 m và có khá nhiều tượng được sắp xếp từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao, đặc biệt là 3 pho tượng Tam Thế Phật sơn son thếp vàng được ban vào thời vua Thiệu Trị và tượng Phật Bà Quan Âm, tượng A Di Đà được tạc bằng đá xanh nguyên khối.
- Khu du lịch sinh thái Thung Nham
Khu du lịch sinh thái Thung Nham là một trong những tuyến điểm du lịch thuộc vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An. Vùng du lịch này thuộc thung đồi Hải Nham với điểm nhấn chính là vườn Chim tự nhiên và các điểm du lịch hang động tiêu biểu như: động Vái Giời, động Tiên Cá, động Thủy Cung, hang Bụt, động Ba Cô, thung lũng Tình Yêu, Cây Đa Di Chuyển, Miệt Vườn.
- Vườn quốc gia Cúc Phương
Vườn quốc gia Cúc Phương là một địa điểm du lịch nổi tiếng về sinh thái, môi trường. Cúc Phương thu hút khoảng vài trăm nghìn lượt khách hàng năm. Du khách đến đây để khám phá hệ động thực vật phong phú, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đẹp, tham gia các chương trình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lửa trại, mạo hiểm, nghiên cứu và văn hóa lịch sử. Trung tâm vườn đặt tại xã Cúc Phương, Nho Quan, Ninh Bình.
Trong khuôn viên rừng có một số tuyến điểm du lịch sau: Động Người Xưa, hang Con Moong, động Trăng Khuyết, động Sơn Cung, động Phò Mã, động Thủy Tiên, Đỉnh mây bạc, hồ Yên Quang, động Phò Mã …
- Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long
Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước Vân Long còn là nơi có cảnh quan hấp dẫn. Vân Long được mệnh danh là “vịnh không sóng” vì khi đi trên thuyền trên đầm, du khách sẽ thấy mặt nước phẳng như một tấm gương khổng lồ. Bức tranh thuỷ mặc phản chiếu rõ từng nét tạc mạnh mẽ của những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Nghiên, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên… Tuy nhiên, mặt nước ở đây nước không có màu xanh của biển, mà trong vắt hiện rõ nét những lớp rong rêu dưới đáy.
Khu Vân Long có 1000 hang động đẹp, nhiều hang động lớn có giá trị phát triển du lịch như: Hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh. Riêng hang Cá là hang xuyên thủng dài 250 m, cao 8 m, rộng 10 m là một động rất đẹp. Đây là nơi quần tụ, sinh sản của loài cá trê, cá rô, cá chuối. Hang Bóng là một hang động đẹp dài hơn 100m, hang Duối 4 tầng, hang Cánh Cổng.
Đặc sản Ninh Bình dân dã nổi tiếng
- Cơm cháy Ninh Bình
Đặc sản đầu tiên phải kể đến đó là cơm cháy, đây cũng là món nổi tiếng nhất của Ninh Bình. Được làm 100% từ gạo nguyên chất, cơm cháy Ninh Bình mang hương vị đặc trưng của mảnh đất Cố đô mà không thể lẫn lộn với bất cứ tỉnh thành nào khác. Cơm cháy có màu vàng nhạt của gạo chiên giòn, khi ăn có vị thơm ngon của hạt gạo, vị ngậy của ruốc, bùi béo mà không ngán, thích hợp cho mọi lứa tuổi. Cơm cháy được bày bán ở khắp mảnh đất Ninh Bình, từ thành phố cho đến các khu du lịch chùa Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc…kể cả dọc đường quốc lộ, du khách sẽ không khó để tìm mua đượcmón đặc sản Cố đô hấp dẫn này.
- Gỏi cá nhệch Kim Sơn
Là một trong những đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Ninh Bình, gỏi cá nhệch khiến bao du khách phải say lòng, ăn một lần nhớ mãi không quên. Những con cá được chọn phải tươi ngon, thuộc loại to từ 400kg trở lên, bụng béo trắng, lưng xanh màu đá thẫm qua nhiều khâu chế biến hết sức tỉ mỉ, cầu kỳ mới làm nên được món gỏi không có vị tanh của cá, khi ăn có hương vị thơm ngon xen lẫn vị bùi của gạo nếp rang cùng vị chua thanh của dấm và vị cay nồng ấm của gừng, tiêu, ớt, xả trong nước chấm. Đến Ninh Bình phải ăn gỏi cá Kim Sơn mới cảm nhận hết được hương vị thơm ngon của món gỏi cá này.
- Ốc núi Ninh Bình
Ốc núi Ninh Bình là một đặc sản mới nổi của Ninh Bình. Loài ốc này cực hiếm vì chúng chỉ sống trong các hốc đá, đến mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8 mới bò ra kiếm ăn và sinh sản. Ốc núi xuất hiện ở hầu hết các nơi tỉnh Ninh Bình nhưng tập trung nhiều nhất là ở các dãy núi đá vôi Tam Điệp, Yên Mô và Nho Quan. Ốc núi trong hang rất khó phát hiện, người ta thường phải dậy từ sáng sớm khi ốc bò ra khỏi hang kiếm ăn mới tìm bắt được. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt, thơm mùi thuốc bắc. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món như nướng, xào me, hấp gừng, luộc xả hết, trộn gỏi hành tây…đều rất hấp dẫn.
- Tái dê Hoa Lư
Món ăn dân dã đất cố đô Hoa Lư nhưng không kém phần hấp dẫn phải kể đến là dê núi. Điểm du lịch Hoa Lư, mảnh đất trù phú với những dãy núi đá vôi là điểm chăn nuôi dê lấy thịt cho nhiều món ăn đặc biệt chế biến từ dê núi. Tái dê là món nổi bật nhất và đứng đầu bảng. Qua rất nhiều công đoạn phức tạp và kỹ lưỡng mới cho ra được món tái dê thơm ngon, khử hết mùi hôi. Tái dê thường ăn kèm các loại lá, quả và đăc biệt nhất là nước chấm tương gừng. Đây là món ăn ngon và cũng là bài thuốc quý dùng để bồi bổ cơ thể rất tốt cho sức khỏe.
- Nem Yên Mạc
Vùng đất Yên Mạc Ninh Bình nổi tiếng với món nem cổ truyền được tinh chế từ thịt lơn. Nguyên liệu để làm món nem này tuy đơn giản nhưng quá trình chế biến lại hết sức cầu kỳ để làm nên món nem với màu hồng rực đặc trưng của thịt lợn, cùng những sợi bì màu trắng tinh cùng gia vị và tỏi ớt, khi ăn nem có vị chua chua cay cay thường dùng kèm lá ổi hoặc lá sung chấm nước mắm chanh tỏi ớt để thưởng thức hết hương vị đặc biệt của món ăn.
- Canh chua cá rô
Một đặc sản nổi tiếng mà dân dã của vùng núi đá vôi ven đồng chiêm trũng ở Ninh Bình không thể bỏ qua đó là canh chua cá rô đồng. Canh các rô nấu chua thì ở đâu cũng có nhưng cá rô bắt từ Tổng Trường, vùng đất với nhiều hang động mới là đặc biệt. Được lựa chọn kỹ càng từ những con các rô to béo sau quá trình chế biến cẩn thận để làm nên một món ăn chua chua thanh thanh của dưa lần với vị ngọt bùi của cá, thơm mát của cà chua và đậu phụ, tất cả cùng hoà quyện vào nhau làm thành cái hấp dẫn của món đặc sản này
- Miến lươn
Cùng với cơm cháy, tái dê, miến lươn cũng là món đặc sản nổi tiếng ở Ninh Bình được nhiều người biết đến. Không như những nơi khác, lươn ở Ninh Bình để làm miến chỉ chọn lươn cốm, lưng nâu hồng bụng vàng rộm, con hơi nhỏ nhưng thịt rất thơm và săn chắc. Miến lươn thường ăn kèm hoa chuối để làm nên vị thanh dịu mà không bị tanh của lươn. Nếu ai đã từng một lần thưởng thức miến lươn Ninh Bình đều mong muốn được một lần quay lại nơi đây để thưởng thức món đặc sản bình dị này.
- Cua đồng rang lá lốt
Một món ăn dân dã mang đậm hương vị đồng quê mà du khách nên nếm thử khi dừng chân manh đất cố đô đó là món cua đồng rang lá lốt. Từ những con cua đồng béo ngậy cùng lá lốt rửa sạch thái sợi rang giòn tạo nên một hương vị quê nhà đặc biệt, mang đến cho du khách nhiều cảm nhận bất ngờ. Nếu như trước đây những món ăn từ cua đông chỉ là món ăn giản dị ở những vùng quê nghèo thì ngày nay nó đã trở thành món đặc sản khiến bao du khách không thể chối từ.
- Cá kho gáo
Ninh Bình vốn nổi danh với thịt dê và cơm cháy lại có món cá kho gáo khá độc đáo và lạ lẫm. Gáo là một loại cây tầm nổi thường mọc ở khe suối hoặc chân đồi, không chỉ có tác dụng làm thuốc mà còn dùng để nấu ăn. Quả gáo có vị chua,hơi ngọt mát và có mùi thơm nên thường được dùng để nấu các món canh chua thay me, sấu tuy nhiên ngon hơn cả là món cá kho gáo. Với hương vị rất đặc biệt, không ngấy mà lại khử được mùi tanh của cá cùng mùi thơm của gáo làm nên một món ăn nổi tiếng đặc sản Ninh Bình.
- Bánh trôi Ninh Bình
Nếu nhắc đến đặc sản Ninh Bình mà quên không kể đến món bánh trôi thì quả là một thiếu sót. Được làm từ những nguyên liệu hết sức bình dân nhưng bánh trôi Ninh Bình khá đặc biệt với phần nhân là sự kết hợp của đường mật, lạc khô giã nhỏ trộn đều với lá cúc mốc thái nhỏ, vì thế bánh có vị thơm mát, ngọt nhẹ cùng với hương thơm thoang thoảng của lá cúc mốc và hoa bưởi trong nước luộc bánh khiến cho món ăn dân dã này có những ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
- Bún mọc Tố Như
Một đặc sản nữa của Ninh Bình phải kể tới bún mọc Tố Như. Đúng như tên gọi, bún mọc Tố Như gồm có bún, mọc, rau sống và nước dùng, thành phần tuy đơn giản nhưng người làm bín phải rất kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu và cách ăn thì không như những nơi khác, chan nước vào bát to bỏ sẵn bún và mọc mà được để riêng thành từng đĩa, tùy người dùng lựa chọn ăn nhiều, ăn ít, ăn đến đâu lấy đến đó. Nếu bạn có dịp ghé chân nhà thờ Phát Diệm – Kim sơn đừng bở lỡ món bún độc đáo này.
- Xôi trứng kiến nho quan
Nho Quan là vùng đồi núi đá vôi lởm chởm, nơi cư ngụ của loài kiến nâu có trứng dùng để là nên món xôi trứng kiến lạ lẫm. Hàng năm vào tháng 2 âm lịch, người dân địa phương lại bắt đầu hành trình đánh trứng kiến. Phải quan sát kỹ, chọn những tổ căng tròn có nhiều trứng. Trứng kiến mang về được rửa nước ấm, ráo nước, tẩm ướp gia vị rồi chế biến thành món ăn độc đáo này. Xôi trứng kiến Nho Quan là quà đặc biệt mà thiên nhiên ưu ái cho con người và vùng đất Ninh Bình, ai một lần được thưởng thức hẳn sẽ nhớ mãi không quên.
- Mắm tép Gia Viễn
Đến Ninh Bình, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món đặc sản mắm tép Gia Viễn để tân hưởng cái độc đáo trong văn hoá ẩm thực của người Ninh Bình. Loại mắm này được làm từ loại tép riu còn tươi, già, thân tròn nhỏ và màu xanh lam. Sau khi chế biến, người ta phải bịt kín để từ một tháng trở lên mới đem nấu chín ăn. Lúc này mắm mới ngon ngọt, đậm đà, rất hấp dẫn.
- Rượu Lai Thành
Là một đặc sản của Kim Sơn, rượu Lai Thành có tên bắt nguồn từ xã Lai Thành, nơi đã chưng cất nên loại rược độc đáo, nổi tiếng Ninh Bình. Từ những hạt gạo nếp cái hoa vàng tròn, thơm, cùng quy trình kỹ thuật và khâu lựa chọn chất men, nguồn nước kỹ lưỡng, người dân nơi đây đã nấu lên loại rượu càng để lâu càng ngon, dù ở cách xa đến hàng trăm mét, vẫn không thể giấu nổi mùi thơm.
- Rượu cần Nho Quan
Bên canh rượu Lai Thành nổi tiếng thì rượu cần Nho Quan cũng là một sản vật không thể bỏ qua. Đây là đặc sản của người dân tộc Mường, một loại rượu dùng gạo nếp nấu thành cơm rồi trộn đều với men và ủ trong những sành lớn sau ít nhất 3 tháng mới đem ra dùng, khoogn hề qua quá trình chứng cất.l Rượu cần biểu tượng cho tinh thần đoàn kết cộng đồng nên khi dùng, người ta không rót ra chén mà dùng các cần rượu làm từ thân trúc rỗng cùng hút từ chum lớn. Vị ngọt thơm nồng của rượu khiến người uống có cảm giác khoan khoái, lâng lâng nhẹ nhàng.
Trong những hành trình du lịch Tam Cốc hay Tràng An, Bái Đính…du khách đừng nên bỏ lỡ những sản vật độc đáo và hấp dẫn nếu có cơ hội để chuyến đi của mình được trọn vẹn và ý nghĩa.
Các sản phẩm lưu niệm Ninh Bình
Tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, những gian hàng bán quà lưu niệm được bố trí rất quy củ, được chia thành gian bán hàng ẩm thực, gian bày đồ thủ công mỹ nghệ, đồ phong thủy.... Các gian hàng tại đây không những phong phú về chủng loại, đảm bảo chất lượng mà thái độ phục vụ khách hàng chu đáo, niềm nở của người bán cũng để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách mỗi khi đến tham quan, chiêm bái.
Có dịp về thăm Ninh Bình, được đi nhiều nơi tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong tỉnh, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, du khách đến từ Bạc Liêu không chỉ hài lòng với cung cách phục vụ đang dần chuyên nghiệp của những người làm du lịch tại đây mà còn rất háo hức với các món quà lưu niệm tại các điểm đến.
Trên là một số thông tin về du lịch Ninh Bình mà Tripscheap xin chia sẻ cho du khách. Chúc các bạn có một chuyến đi vui vẻ và hạnh phúc.