Vùng đất cực Nam của Tổ quốc chưa bao giờ là điểm du lịch hết “hot”. Cứ đến mùa nước dâng, miền Tây lại nhộn nhịp bởi những khu chợ nổi tấp nập, khách du lịch nườm nượp ghé thăm.
Làng nổi Tân Lập – Long An:
Khu du lịch làng nổi Tân Lập thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, cách TP.HCM khoảng hơn 100 km về phía Tây. Nằm ở trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) là vùng đất ngập nước với đa dạng các sinh cảnh rừng.
Len lỏi chạy xuyên qua làng nổi Tân Lập là rạch Rừng. Trước làng là dòng sông Vàm Cỏ Tây hiền hòa. Rạch Rừng là địa điểm check-in đình đám của du khách tham quan làng nổi Tân Lập.
Nhìn từ trên cao, làng Tân Lập như một ốc đảo ẩn mình giữa mênh mông rừng tràm. Địa điểm này từng làm mưa làm gió dân tình khi xuất hiện trong MV Bánh trôi nước của ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Cứ mùa nước nổi, giới trẻ lại rủ nhau tới đây check-in nườm nượp.
Rừng tràm Trà Sư – An Giang:
Những khu rừng ngập mặn là đặc trưng của thiên nhiên miền Tây sông nước. Rừng tràm Trà Sư nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Cách huyện Châu Đốc khoảng 30 km, đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu.
Mặt nước phủ xanh kín bèo tạo nên những hậu cảnh đẹp ngất ngây, được các tín đồ sống ảo yêu thích. Du khách được chở trên phương tiện có tên tắc ráng (tên gọi một phương tiện thủy có gắn động cơ của người miền Tây Nam Bộ) và xuồng để tham quan xuyên suốt rừng tràm. Vé tham quan rừng tràm khoảng từ 45.000-130.000 đồng/người, đi theo đoàn giá sẽ rẻ hơn.
Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ:
Khu chợ miền Tây nổi tiếng này là chợ nổi chuyên trao đổi, mua bán nông sản, các loại trái cây, hàng hóa, thực phẩm trên sông và là điểm tham quan đặc sắc của quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Nét độc đáo nhất của khu chợ chính là quang cảnh buôn bán tấp nập bình dị của người dân cũng như các loại trái cây đủ màu, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Du khách tham quan thường mua trái cây tại các thuyền, xuồng. Hơn nữa, có thể check-in những tấm hình đẹp long lanh lênh đênh giữa dòng sông Hậu hiền hòa. Để tham quan chợ nổi Cái Răng, khách du lịch nên đi từ sớm, vì khoảng 9h là chợ tan. Thời điểm họp chợ tấp nập, cũng là lúc có được nhiều tấm hình đẹp là vào khoảng 5-6h.
Đồng sen Tháp Mười:
Địa danh sống ảo đẹp mê hồn này cách TP.HCM 130 km về phía Nam. Khu du lịch Đồng sen tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười gây xao xuyến bởi vẻ đẹp của khung cảnh miền quê mộc mạc, yên bình. Bốn bề là đồng sen bát ngát tỏa hương ngào ngạt.
Để tham quan đồng sen, du khách sẽ di chuyển bằng xuồng. Thời điểm thích hợp để tới đồng sen Tháp Mười là khoảng tháng 6, 7, khi sen nở rộ nhất, tha hồ đem về những bức hình dịu dàng thướt tha bên loài hoa quốc dân.
Miệt vườn miền Tây:
Một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua khi khám phá miền Tây sông nước đó là ghé thăm miệt vườn và thưởng thức các loại trái cây đặc sản. Đồng bằng sông Cửu Long chính là vựa trái cây lớn nhất cả nước, nơi có những miệt vườn trải dài với bạt ngàn các loại trái cây.
Có rất nhiều miệt vườn lớn ở miền Tây Nam Bộ cho du khách lên lịch trong chuyến hành trình của mình: miệt vườn Cái Bè – Tiền Giang, miệt vườn Lái Thiêu – Bình Dương, miệt vườn Cái Mơn – Bến Tre, vườn trái cây Trung An – Củ Chi, vườn trái cây Vĩnh Long.
Châu Đốc – An Giang:
TP Châu Đốc – An Giang là địa danh nhất định phải ghé khi đến miền Tây vào mùa nước nổi. Địa danh này nổi tiếng với làng nổi Châu Đốc. Dọc theo dòng sông Hậu là những căn nhà nổi, những bè cá được xếp cạnh nhau tạo thành làng, kéo dài khoảng vài cây số. Làng nổi Châu Đốc là hình ảnh đặc trưng cho đời sống của bà con miền Tây sông nước chân chất, bình dị.
Ngoài làng nổi lênh đênh giữa sông Hậu, Châu Đốc còn được khách du lịch biết đến là địa danh sở hữu nhiều ngôi chùa mang kiến trúc độc đáo, đẹp như tiên cảnh. Trong đó phải kể đến danh thắng chùa Hang. Chùa Hang hay còn gọi là Phước Điền Tự, tọa lạc nơi triền núi Sam, Châu Đốc, An Giang. Chùa có lịch sử hơn 100 năm tuổi, nằm trên lưng chừng đồi núi, với lối kiến trúc cổ kính mang đậm dấu ấn Trung Hoa xưa.